Thursday 23 June 2011

Các cách xử lý với tường bị nứt ( Sưu tầm từ: Webtretho.com)

 Hiện tượng nứt chân chim

Chỉ mới xây căn nhà một thời gian, bây giờ xuất hiện vết nứt ở cột nứt dọc, ở đà nứt ngang. Vết nứt nhỏ số lượng nhiều, ngay mảng tường cũng có vết nứt dọc. Điều này sẽ làm cho nhiều gia đình hoang mang, thông báo với công ty xây dựng thì họ cho rằng không nghiêm trọng, chỉ rạn nứt do vật liệu co rút, để một thời gian nữa ổn định, công ty sẽ trám trét lại.

Đối với nhà chịu lực bằng khung bê tông cốt thép, việc nứt tường có thể do một hay nhiều nguyên nhân. Tùy trường hợp và mức độ vết nứt mà chúng ta có biện pháp khắc phục khác nhau:

Nứt chân chim nhẹ và cạn

Vết nứt nhẹ, cạn, hình chân chim thường chỉ nằm ở lớp vữa trát, không ăn sâu vào tường gạch... thường có các lý do: kỹ thuật tô tường tường khô quá vẫn tô, hồ trộn không đều, hồ tô mỏng - tối thiểu phải 1cm, tô xong bị nắng nhiều, không dưỡng hộ đúng.... Hoặc việc tô trát và sơn nước không đúng kỹ thuật, thi công sai quy trình.

Ở các lý do trên, cần đục lớp hồ cũ dọc theo các vết nứt, xử lý kỹ, đủ ẩm và tô lại bằng vữa già xi măng, cát mịn. Nếu bị dộp, cần đục bỏ toàn bộ mảng tường để tô lại. Lớp hồ tô phải để tối thiểu 7 ngày mới cho xử lý chà, trét, sơn nước.

Vết nứt sâu, xuyên qua tường xây

Cần phải xem kỹ: Nứt ở mép tiếp giáp tường-cột do kỹ thuật thi công, đã không đặt hay đặt không đủ thép râu neo vào tường. Trường hợp này, dùng máy cắt tạo rãnh sâu, làm sạch, ẩm và phụt vữa sửa chữa loại đông cứng nhanh bán sẵn và trát lại bằng vữa trát thông thường.

Nứt ở mép tiếp giáp tường-dạ đà: cũng do lỗi thi công đã không xử lý hồ dầu và ẩm đúng, đồng thời xây không đúng quy định xây xiên, xây bằng gạch đinh, gạch thẻ, các góc trống phải miết kỹ hồ. Hệ quả là trong quá trình đông cứng, tường và cả hồ xây, trát đều co ngót một phần làm xuất hiện vết nứt ngang.

Có thể dùng biện pháp sửa chữa vết nứt như trên. Hoặc đục hàng gạch trên cùng ra để xây lại theo đúng quy định.

Nứt ở mép tiếp giáp tường-mặt trên đà thường thấy ở các tầng: cũng do lỗi kỹ thuật thi công. Sau khi đúc đà, sàn các tầng, trước khi xây tường, ở mặt bê tông sẽ xây phải làm thật sạch, đủ ẩm; phải có một lớp hồ dầu, miết kỹ. Nên xây trước tối thiểu là 3 hàng gạch đinh gạch đặc. Ðộ cứng được chuyển dần từ đà sàn bê tông sang gạch đặc, gạch ống, sẽ hạn chế xuất hiện khe nứt. Nếu không thực hiện chuẩn, có thể có vết nứt. Cách sửa có thể bằng vữa cao cấp như đã nêu, tuy nhiên giá thành khá đắt.

Những vết nứt này chủ yếu do đà sàn bị võng. Do đó tiết diện các cấu kiện đà phải đủ độ cứng cần thiết và cốt thép đủ sao cho độ võng này không đáng kể. Chính những vết nứt này, ở tường ngăn khu vệ sinh, ở tường đầu hồi là chỗ dễ thấm nước, gây loang lổ.

Nứt ở đầu cửa và nứt bất kỳ

Nứt ở mép cửa: thường xuất hiện ở các góc trên cửa đi, cửa sổ. Loại vết nứt này xảy ra do đà lanh tô cửa không đủ dài, không đủ đoạn neo gối lên hai đầu tường và trong quá trình sử dụng đã có lúc tường bị đóng quá mạnh. Muốn ngừa ngay từ đầu, các đà lanh tô trên đầu cửa đi, cửa sổ phải đủ dài, vươn khỏi đố cửa tối thiểu 20cm nếu được thì nên đúc đà lanh tô qua cột. Việc tiết kiệm không đáng chiều dài đà lanh tô dẫn đến kết quả là rất khó sửa các loại vết nứt này.

Cách sửa hiệu quả nhất là đục lấy hẳn đà lanh tô ra, thay lại đà khác dài hơn, đủ neo hơn. Việc đập vỡ cục bộ đầu lanh tô, đắp vữa vào chỉ tăng độ cứng rất ít, thường không hiệu quả, nghĩa là sẽ bị nứt lại một thời gian sau đó, nhất là khi cửa đóng mạnh.

Các vết nứt nghiêng trên tường là loại vết nứt "khó chịu" nhất và sẽ khó sửa nhất. Thường nó có thể xuất hiện tại nhiều mảng tường, ở nhiều tầng. Quy luật là xuất hiện sát mép sàn, gần các cột và xiên dần vào giữa mảng tường; hoặc xuất hiện ở các góc dưới của bậu cửa sổ, xiên xuống dưới. Nguyên nhân là nhà hay công trình của bạn đã bị lún ít nhiều rồi! Muốn sửa phải chống lún bằng nhiều giải pháp khác nhau, đều có khó khăn và tốn kém. Việc đục rỗng vết nứt, đóng "gông" đinh đỉa để "may" vết nứt lại chỉ tạm thời, không hiệu quả; vì không ngăn chặn được nguyên nhân gây ra và sẽ bị nứt lại, có thể là chỗ cũ hay quanh đó.

Do đó, đối với loại vết nứt này, nếu nặng, ngày càng phát triển, nên tìm đến những đơn vị tư vấn có kinh nghiệm để nhờ sự giúp đỡ cần thiết, chính xác. Lưu ý rằng, việc đầu tiên, chủ nhà, khi phát hiện vết nứt là phải đánh dấu tốt nhất là bút chì, bằng nét gạch thẳng góc với phương khe nứt, ghi lại ngày tháng và theo dõi qua thời gian, các vết nứt có vượt điểm đánh dấu hay không. Nếu vượt qua, có nghĩa là vết nứt tiếp tục phát triển, cần có biện pháp xử lý đúng mực, đúng bệnh.

Để tránh phiền phức, ngoài những cách xử lý đã nêu, cần lưu ý:

- Tìm đội thợ chuyên nghiệp và giám sát thi công tốt.

- Thường vết nứt chỉ xuất hiện trong khoảng một tháng sau khi hoàn tất công trình và quy định cho phép chủ nhà được giữ 5% giá trị nhân công để bảo hành một năm.

- Nếu có quá nhiều loại vết nứt nên tìm đến nhà tư vấn chuyên môn

Học lái xe ô tô số tay ( Sưu Tầm)

Cơ bản:
1)Nhìn xuống dưới sàn xe phía dưới chân người lái bạn ngồi sẽ thấy 3 cái bàn đạp theo thứ tự từ trái qua phải: clutch - thắng - chân ga
-Clutch: phải đạp sát xuống hết tới sàn xe mỗi lần ta muốn sang từ số này qua số kia, thí dụ từ 1 qua 2, từ 2 qua 3 v.v.
-Thắng: ngừng
-Chân ga: tăng ga tốc độ
2)Cẩn thận nghiên cứu và nhớ thật kỹ vị trí của cái cần sang số bên cạnh tay phải của bạn. Hãy tưởng tượng theo hình chữ H. Cái gạch ngang ở giữa của chữ H là số 0 hay còn gọi là neutral (lắc qua lắc lại thấy nhẹ tênh ở giữa là cài đúng số 0 rồi đó, tập thói quen này luôn tay khi ta đang đậu ở đèn xanh đèn đỏ hoặc chưa muốn cho xe chạy)
Ghi chú: Luôn luôn ghi nhớ kéo thắng tay lên trước khi nổ máy xe và vị trí của xe nằm trên mặt bằng phẳng để bảo đảm sự an toàn.
Sang số và chạy:
1)Bắt đầu dùng chân trái đạp cái clutch xuống hết dưới sàn xe, cùng lúc tay phải lắc qua lắc lại cần sang số ở gạch ngang của chử H. Ta muốn chắc ăn là nó nằm ở vị trí số 0 (chưa cho xe chạy)
2)Vặn chìa khóa xe theo chiều kim đồng hồ để nổ máy xe lên. Khi xe đã nổ máy, nhấp nhấp chút chân ga cho máy nổ đều. Chiếc xe trong lúc này vẫn chưa nhúc nhích tại vì đang cài ở số 0.
3)Chân trái vẫn đè cái clutch sát xuống sàn xe. Chân phải bây giờ bạn hãy chuyển từ chân ga qua và đạp lên bàn thắng, cùng lúc đó thì tay phải kéo thắng tay thả ra. Chiếc xe đã sẵn sàng trong tư thế để chạy tới. Bây giờ thì tay phải gạt cần số lên vào vị trí số 1
4)Chân phải nhấc ra khỏi bàn thắng và chuyển sang rà nhẹ lên chân ga. Cùng lúc chân phải rà nhẹ trên chân ga thì chân trái thả nhẹ clutch lên, thả ít thôi chừng 1/3 khoảng cách của sàn xe. Nếu thả nhanh quá hay thả hết lên cao thì xe sẽ bị giựt và tắt máy. Tới lúc này bạn cảm thấy chiếc xe bắt đầu lăn bánh từ từ rồi. Kế tiếp bạn có thể thả clutch cho nó lên cao hết (vẫn quy luật thả chậm nhẹ nhàng), đồng thời cho thêm chút ga (liếc nhanh thấy kim đồng hồ tốc độ cỡ 10 miles/hour là tới lúc phải sang số kế tiếp là số 2)
-Số 1 - 5-10miles[8-16km]/giờ
-Số 2 - 10-20miles[16-32km]/giờ
-Số 3 - 20-25-30miles[32-40-48km]/giờ
-Số 4 - 30-35-40-45miles[48-56-64-72km]/giờ
-Số 5 - 45miles[72km] trở lên
-Số 0 - bánh xe không lăn bánh (khi ta đậu lại tại đèn xanh đỏ)
-Số de - de ngược lại (chỉ có 1 số)
5)Mỗi lần sang số khác 2,3,4,5 hoặc trở về số 0 hay số de bạn cần phải lập lại những động tác:
-đạp clutch xuống
-thả bàn chân ga ra
-sang số kế tiếp
-nhả clutch ra từ từ
-đạp thêm chút ga
Sang số cho đều và nhuyễn thì xe chạy không bị giựt.
Lưu ý: Bài viết này chỉ nhằm mục đích dành cho những bạn muốn biết thêm một chút khái niệm về lý thuyết lái xe hơi ô tô với số tay trước khi có người kinh nghiệm thật sự hướng dẫn tập lái ở bên ngoài. Không nên và không được tự tập một mình bằng mọi giá bởi vì rất nguy hiểm. Tác giả hoàn toàn không chiụ trách nhiệm dưới mọi hình thức.